Tình Thương và Cái Chết Trong Bình An - Visuddhàcàra - Ebook

Tôi viết cuốn sách này để chia sẻ vài suy nghĩ về cái chết cho bất cứ ai muốn đọc những ý nghĩ đó. Những ý nghĩ về việc chúng ta nên đối diện với cái chết như thế nào - với sự can đảm và bình thản. Với phẩm cách con người. Và với một nụ cười, nếu bạn thích vậy. 


Những ý nghĩ về việc làm sao chúng ta có thể đương đầu với sự khổ đau, có thể sống với trí tuệ và từ tâm, hoặc với mức độ từ tâm mà chúng ta có thể chia xẻ được, cho đến khi chúng ta lìa đời.

Nhưng con người thường không muốn nói đến cái chết. Khi chủ đề này được đề cập đến thì người ta bắt đầu thấy mất tự nhiên. Ðặc biệt người ta kỵ nói đến cái chết trong những dịp vui như là sinh nhật hoặc Tân niên, như thể là hễ nhắc đến chữ chết trong các dịp này thì làm mất vui và đem đến sự xui xẻo hoặc chết sớm! Dĩ nhiên tôi không đồng ý với những quan niệm như vậy. Ðối với tôi, đó chỉ là tin dị đoan. Dầu tôi thông cảm với những ai cho rằng nói về cái chết trong những dịp vui là không tế nhị, tôi vẫn tin việc suy nghĩ thường xuyên về cái chết là điều tốt và sáng suốt, kể cả vào những dịp như là sinh nhật hoặc Tân niên, có thể càng nên làm hơn nữa vào những dịp đó. Tại sao? Bởi vì chúng ta có thể nhận ra rằng chúng ta không trẻ hơn chút nào mà lại càng già hơn, và mỗi năm mang chúng ta đến gần nghĩa địa hơn. Trong những lúc ngẫm nghĩ như vậy chúng ta có thể duyệt lại cuộc đời của mình, lượng giá cái vị trí của chúng ta và xét xem chúng ta có đang đi đúng hướng không - cái hướng của trí tuệ và từ tâm.

Là một thầy tu, lúc nào tôi cũng suy nghiệm về cái chết. Nó nhắc tôi sống một cuộc đời có ý nghĩa hơn, không bỏ uổng một ngày nào, mặc dù tôi phải thú nhận là thỉnh thoảng tôi cũng lãng phí thì giờ quí báu của mình, vì như các bạn biết, cái tâm thức nhiều khi cũng rất bướng bĩnh và lười biếng. Tuy vậy, nhờ suy niệm thường xuyên về cái chết, tôi được nhắc nhở là mình phải dành nhiều thời giờ hơn để thực hành thiền định để rửa sạch những ô uế trong đầu về tham, sân, si....

Trong cuốn sách này tôi cố chia xẻ sự hiểu biết giới hạn của tôi về sự sống và sự chết. Tôi cảm thấy mình cần bàn về cái chết một cách thẳng thắn. Chúng ta không nên sợ sệt đề cập đến chủ đề này. Nếu không vậy thì làm sao chúng ta có thể bàn bạc và học hỏi? Khi chúng ta có thể bàn thảo, học hỏi và thông hiểu, thì đó là điều tốt, bởi vì chúng ta đã có thể chấp nhận cái chết. Chúng ta sẽ biết rõ hơn nên đối diện với nó như thế nào. Ðây là điều rất quan trọng, bởi vì tất cả chúng ta ai cũng phải chết. Không có cách gì thoát được hết. Và nếu chúng ta không thể nghĩ đến cái chết ngay từ bây giờ, thì làm sao chúng ta có thể nghĩ đến nó khi chúng ta nằm sắp chết trên giường, chờ trút hơi thở cuối cùng? Lúc đó liệu chúng ta có thoát được sự sợ hãi và hoang mang rối rắm không? Cho nên tốt hơn hết là chúng ta tìm hiểu tất cả về cái chết ngay bây giờ. Chắc chắn nó sẽ có lợi cho chúng ta. Và rồi chúng ta không sợ hãi nữa. Chúng ta sẽ có tự tin, và khi cái chết đến chúng ta sẽ ra đi với một nụ cười. Chúng ta có thể nói, "Này cái Chết, cứ làm cái gì tệ nhất mà ngươi có thể làm đi. Ta biết ngươi rồi và ta có thể mỉm cười."

Tôi viết cuốn sách này với mức thẳng thắn và lôi cuốn nhất mà tôi có thể làm được. Tôi ráng không quá lý thuyết hoặc cứng nhắc. Tôi muốn bạn thích thú khi đọc quyển sách này, cười khúc khích ở những đoạn nào làm bạn khúc khích, và thu thập được một hai đìều bạn thấy hữu ích trong cuộc sống, trong tình thưong yêu, và trước cái chết. Ngoài ra, không phải tôi viết như là một thầy tu cho người thường đọc, nhưng là như một con người viết cho một con người. Do đó tôi viết hơi phóng khoáng với mục đích truyền đạt, vươn tới con tim. Tuy nhiên tôi không biết là mình đã thành công hay thất bại đến mức nào; chỉ có bạn là người phán đoán chính xác nhất.

Vì tôi là một tu sĩ Phật giáo, người đọc sẽ nhận ra rằng nội dung chứa đụng nhiều quan điểm và khái niệm nhà Phật. Dĩ nhiên vài giá trị như lòng thương yêu và từ tâm là trùm khắp, không thuộc vào một tôn giáo nào mà là của tất cả mọi tôn giáo. Tôn giáo nào cũng dạy thương yêu và từ tâm. Tôn giáo nào cũng tốt hết, nhưng chính chúng ta không làm theo đúng tôn giáo của mình. Cho nên chúng ta nhân danh tôn giáo để giết chóc, tàn hại và gây đau khổ. Chính chúng ta là người phải gánh chịu trách nhiệm chứ không ai khác! Trách nhiệm không phải ở các tôn giáo hoặc các nhà khai sáng tôn giáo vì các vị đó chỉ toàn là dạy thương yêu, trí tuệ, khoan dung, tha thứ, và từ tâm. Nếu chúng ta thoát ra sự u mê của chúng ta thì chúng ta có thể thương yêu thật sự. Chúng ta có thể sống chung như anh chị em ruột thịt bằng sự lượng thứ, kiên nhẫn và thông cảm, với lòng thương yêu và từ tâm.

Tôi viết cuốn sách này chủ yếu cho Phật tử. Nhưng những người không phải đạo Phật cũng có thể đọc và tìm ra vài lợi ích, vài lãnh vực chung có thể đồng ý, hiểu biết và thông cảm với nhau được. Tối thiểu, họ sẽ biết về quan điểm Phật giáo, góc cạnh nhìn và hiểu biết của Phật giáo. Biết được quan điểm của mỗi bên là điều tốt, vì điều đó sẽ đem tới thêm sự chấp nhận, cảm thông và hiểu biết về cách tiếp cận vấn đề và niềm tin của mỗi bên. Tôi hoàn toàn không có ý định muốn thuyết phục ai theo đạo mình. Điều đó cần phải thật rõ ràng. Cần phải để mỗi người theo đạo của họ và theo một cách thuần thục, vì như đức Đạt Lai Lạt Ma, người được giải Nobel Hòa Bình, đã từng nói, từ tâm tựu chung là tinh túy của mọi tôn giáo.

Tôi cố gắng chia xẻ sự hiểu biết của tôi trong phạm vi khả năng của tôi. Bạn không cần phải chấp nhận tất cả những điều tôi nói. Vả lại, tại sao bạn phải chấp nhận? Lẽ dĩ nhiên bạn có đầu óc tốt đẹp riêng của mình, và bạn có thể (và phải) suy nghĩ và quyết định cho bản thân bạn. Chúng ta có thể đồng ý về việc chúng ta không đồng ý với nhau và vẫn còn là bạn tốt với nhau. Như vậy có được không? Vì tinh hoa cốt lõi của sự trưởng thành về tinh thần là điều tuyệt vời nhất. Chỉ có mỗi người chúng ta mới có quyền định đoạt chân thành và trung thực cho chính chúng ta những điều gì chúng ta có thể cảm thông và những gì chúng ta không thể chấp nhận.

Chính đức Phật đã nói rằng tốt hơn cả là chúng ta phải xem xét, điều tra và xác minh cho chính mình trước khi chúng ta chấp nhận bất cứ điều gì. Ngay cả lời nói của đức Phật cũng cần phải đem ra cứu xét kỹ càng như vậy. Nói cho cùng, đức Phật không cho phép một ngoại lệ nào. Ngài không bao giờ tin vào lòng tin mù quáng. Ngài không bao giờ bảo chúng ta chỉ việc tin vào lời ngài nói và chỉ việc từ khước những gì người khác nói. Ngược lại ngài bảo chúng ta phải điều tra, thực hành và xác minh cho chính chúng ta. Nếu chúng ta thấy lời giảng dạy nào đó là tốt, lành mạnh và đưa đến sự tiệt trừ tham, sân, si, thì chúng ta có thể chấp nhận, bằng không chúng ta nên từ khước. Đấy là lời khuyên dạy tuyệt vời. Do đó, theo hướng Phật chỉ, tôi luôn luôn ưa nói: Đừng tin gì hết. Mà phải suy nghĩ, thực hành, và xác minh cho chính mình. Đối với tôi đó là cách tiếp cận hay nhất và an toàn nhất. Nhưng nếu tôi có các sai lầm nào khi viết cuốn sách này, tôi xin lỗi và xin tha thứ.

Xin cầu mong tất cả mọi người được vui sướng. Xin cầu mong tất cả chúng ta đều tìm được trí tuệ và hạnh phúc, theo cách riêng của mỗi người. Và xin chúc bạn đọc sách vui vẻ!

Visuddhàcàra

Xin mời các bạn download Ebook (PRC) :

Download File PRC

Chúc các bạn Thành Công và Hạnh Phúc trong cuộc sống.

P.S.: Tất cả các Ebook và Audiobook post ở CSYT đều có tải về máy cả. Nếu có links nào bị hỏng, các bạn làm ơn thông báo cho chúng tôi biết, chúng tôi sẽ upload links mới post lên lại. Thanks các bạn nhiều nha.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét