Gừng, chuối, đậu xanh... chữa ngộ độc?

Tết năm nào tôi cũng thấy nhiều trường hợp bị ngộ độc thức ăn, ngộ độc rượu phải nhập viện, có trường hợp tử vong vì không được phát hiện và cấp cứu kịp thời. Vậy dấu hiệu nào để nhận biết ngộ độc? 

Tôi thấy người ta hay chữa ngộ độc bằng chuối, gừng, đậu xanh, vỏ lê, khế, khoai lang, ngó sen tươi... Vậy công dụng và liều lượng cụ thể của từng bài thuốc này như thế nào?
Hoàng Hoa (Q.Bình Thạnh, TP.HCM)

Trả lời tư vấn của BS Huỳnh Tấn Vũ - giảng viên bộ môn Y học cổ truyền, ĐH Y Dược TP.HCM :

Ngộ độc rượu có hai dạng cấp tính và mạn tính. Tuy nhiên, trong những ngày Tết, phần lớn bị ngộ độc cấp tính. Biểu hiện ngộ độc cấp tính là người bệnh sẽ giảm và mất khả năng vận động tự chủ. Người bị ngộ độc có thể không điều khiển được hành vi, nói líu lưỡi, gọi nhầm tên người. Khi uống quá nhiều rượu, người uống dễ mất cân bằng cơ thể, không tự ngồi được. Khi ngộ độc nặng sẽ dẫn đến hôn mê, mất tri thức, gọi hỏi không biết, mất các phản xạ.

Ngộ độc thức ăn biểu hiện ở hai nhóm. Ở tiêu hóa, triệu chứng lâm sàng chủ yếu là đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy. Ở thần kinh, chủ yếu là đau đầu, buồn nôn, nôn, rối loạn cảm giác, vận động... Có khi ngộ độc kèm triệu chứng tiết nước bọt, ngứa cổ họng, choáng váng, co giật, nổi mề đay.

Những thảo dược bạn kể, khi bị ngộ độc thức ăn hoặc ngộ độc rượu ở mức độ nhẹ, có thể dùng tại nhà.

Khi bị ngộ độc thức ăn: dùng 30-50g quả chuối chát thái mỏng, sao vàng hạ thổ; cho vào bốn chén nước, sắc còn một chén, uống. Có thể cho người bị ngộ độc dùng bột đậu xanh. Hòa bột đậu xanh với nước sôi ấm để uống. Đun nước sôi với lát gừng tươi hoặc pha một muỗng canh bột gừng với nước sôi để uống. Cũng có thể dùng khế ép lấy nước, uống càng nhiều càng tốt.

Khi bị ngộ độc rượu: gừng tươi giã nhuyễn, trộn với đường và giấm, lấy nước uống. Khoai lang tươi giã nhuyễn, trộn với đường để ăn hoặc vắt lấy nước uống. Hoặc có thể uống nước ngó sen tươi giã nhuyễn hay vỏ lê nấu với đường để uống.

Sưu tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét