Xử lý tai nạn ngày xuân

Ngày Tết, nói đến tai nạn là điều xui xẻo, nhưng nếu không biết cách xử trí khi rơi vào tình huống nguy hiểm thì sẽ... xui hơn. Dưới đây là một số cách xử trí những điều không mong muốn.
1. Ngộ độc thực phẩm

Nguy cơ: Tại các điểm vui chơi ngày Tết luôn có các món hàng rong. Những mặt hàng này không được quản lý bởi các cơ quan chức năng và thường mất vệ sinh nên có nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm (NĐTP). Ngay trong gia đình, khi nấu nhiều món mà ăn không hết và bảo quản không đúng cách thì cũng dễ dẫn đến NĐTP. Ngộ độc nhẹ thường chỉ đau bụng tiêu chảy, nôn ói vài lần là hết, bệnh nặng hơn phải nhập viện.

Xử trí: Khi phát hiện có người bị NĐTP, cần lưu ý tổng trạng xem nhẹ hay nặng để có cách xử trí phù hợp:
- Người bệnh tỉnh táo, có nôn ói và đại tiện phân lỏng dưới năm lần. Trường hợp này chỉ cần theo dõi tại nhà, cho uống dung dịch Oresol bù nước (nên pha theo hướng dẫn trên vỏ sản phẩm và cho uống trong ngày - hôm sau pha bình mới). Người bệnh cần ăn thức ăn lỏng như cháo, xúp có thêm các loại gia vị làm ấm hệ tiêu hóa như: gừng, hành... Qua ngày đầu tiên, nếu thấy các cơn ói và số lần đại tiện giảm dần thì đó là dấu hiệu hồi phục tốt, chỉ cần tiếp tục chăm sóc đến khi hết bệnh. 

Nếu người bị ngộ độc đi ngoài liên tục ba-năm lần, phân toàn nước, có biểu hiện: bước không nổi, choáng váng nôn ói, mặt xanh (biểu hiện trụy mạch) thì phải đưa ngay đến bệnh viện để đề phòng tử vong do mất nước, rối loạn tim mạch.

- Ba đối tượng cần quan tâm đặc biệt là: thai phụ, người cao tuổi và trẻ em, vì dễ bị ngộ độc nặng. Cần để bệnh nhân nằm ở tư thế đầu cao và nghiêng sang bên khi nôn ói để dịch ói ra không trôi ngược, gây sặc hoặc vào đường hô hấp.

Cần nhớ: Nôn ói và tiêu chảy là cách cơ thể tự bảo vệ và tống độc tố ra ngoài. Vì vậy, việc sử dụng thuốc cầm ói và tiêu chảy sẽ giữ chất độc đó lại, khiến bệnh nặng hơn.

Phòng từ xa: Cách phòng ngừa NĐTP hiệu quả nhất là ăn chín, uống sôi. Ngoài ra, cần lưu ý xem tủ lạnh có đủ độ lạnh để bảo quản thực phẩm trong dịp Tết hay không. Cụ thể, ngăn mát lưu trữ thức ăn phải dưới 4°C, ngăn đá thấp hơn âm 5°C. Không để lẫn lộn thực phẩm đã nấu chín với thực phẩm chưa nấu để tránh lây nhiễm chéo vi khuẩn từ thực phẩm sống sang thực phẩm chín. Thực phẩm bảo quản nên chia thành từng phần nhỏ, ăn đến đâu nấu đến đấy để không bị dư thừa. Riêng các món hâm đi hâm lại nhiều lần mới ngon như: thịt kho, canh măng… nên nấu một lần cho ngon, sau đó chia nhỏ cho vào tủ cấp đông. 

2. Ngộ độc rượu

Nguy cơ: Khoa cấp cứu các bệnh viện thường gặp những ca ngộ độc rượu. Có hai nguyên nhân: Thứ nhất, uống quá nhiều bia rượu. Thứ hai, ngộ độc do uống phải rượu chứa nhiều tạp chất, rượu giả.

Xử trí: Theo TS-BS Đỗ Quốc Huy - Trưởng bộ môn Cấp cứu hồi sức và chống độc Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM, tùy vào loại rượu mà biểu hiện ngộ độc khác nhau. Có thể chăm sóc tại nhà nếu chỉ bị ngộ độc nhẹ (lơ mơ, rối loạn hành vi…) bằng cách cho người bệnh nằm nghỉ ngơi, nếu có ói mửa cứ để cho ói mửa để tống chất độc ra khỏi cơ thể. Sau đó, cho uống một lượng nước vừa đủ (có thể dùng nước trà đường, chanh đường hoặc đậu xanh đường), ít nhất cũng bằng lượng rượu uống vào, nhằm pha loãng nồng độ cồn trong cơ thể và giúp nhanh đào thải cồn trong máu.

Người ngộ độc nặng do uống rượu chứa nhiều tạp chất hoặc rượu chứa hóa chất độc hại, còn gọi là rượu giả, người nhà cần gọi cấp cứu 115 hay đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất, nếu thấy các dấu hiệu sau:

- Hôn mê sâu (không đáp ứng với kích thích đau).

- Uống lượng đáng kể rượu nghi ngờ có chứa chất lạ (khi đi nhớ mang theo các chai, bình chứa loại rượu đã uống).

- Có dấu vết tổn thương trên cơ thể.

- Có biểu hiện bất thường: đau bụng hay ngực, yếu liệt, rối loạn nhịp thở, tiêu tiểu không tự chủ, rối loạn thị giác.

3. Tai nạn

Tai nạn luôn bất ngờ. Đã có nhiều tai nạn đau lòng xảy ra với cả trẻ em và người lớn như: chấn thương sọ não, phỏng nước sôi…

Xử trí: Cần xem xét tổng quan:

- Nếu người bị tai nạn ngưng tim, ngưng thở, cần thực hiện hô hấp nhân tạo và xoa bóp tim ngoài lồng ngực.

- Đánh giá xem người bị tai nạn có chấn thương cột sống, sọ não, chân tay và chảy máu hay không. Nếu có, cần cố định xương gãy và cầm máu tạm thời.

Cả hai tình huống nêu trên, sau khi sơ cấp cứu, cần gọi dịch vụ 115 để được đưa tới bệnh viện kiểm tra toàn bộ.

Lưu ý: Khi bị phỏng cần ngâm chỗ phỏng vào nước mát, nước đá, để hạ nhiệt độ vùng bị phỏng. Như vậy các tế bào mới không bị nhiệt độ hủy hoại.

Khi bị hóc, cần cấp cứu theo hướng dẫn sau của BS Lê Thiện Anh Tuấn - Hội Y học TP.HCM:

Trẻ dưới một tuổi:

- Tư thế nằm sấp: Đặt tay và chân trẻ ở hai bên đùi người sơ cứu, kê cằm trẻ trên gối người cứu, tư thế đầu thấp hơn ngực một chút. Vỗ nhanh từ một đến năm cái lên vùng lưng, giữa hai bả vai của trẻ để tống vật lạ ra.

- Tư thế nằm ngửa: Cho trẻ nằm dọc theo một cẳng tay người cứu (bàn tay giữ đầu trẻ). Đặt hai ngón của bàn tay còn lại lên vùng ngực, giữa hai núm vú của trẻ. Dùng sức của cánh tay người cứu, đẩy nhanh và mạnh bốn cái liên tục vào ngực trẻ. Nếu chưa hiệu quả, có thể thực hiện tiếp tục bốn-năm lần. Mọi thao tác phải nhanh, dứt khoát.

Nạn nhân là người lớn: Dùng thủ thuật Hemlich để tống dị vật ra ngoài theo ba bước:

- Người cứu đứng sau lưng, một chân trước, một chân sau. Chân trước lồng giữa hai chân nạn nhân.

- Người cứu vòng hai tay ra trước, quàng lấy bụng nạn nhân, bàn tay ngoài nắm lấy nắm đấm của bàn tay trong (lòng bàn tay này úp xuống), áp sát vào vùng bụng phía trên rốn, ngay dưới xương ức của nạn nhân.

- Giật tay thật mạnh và đột ngột theo hướng từ trước ra sau và từ dưới lên, liên tục bốn-năm cái. Động tác này phải được thực hiện dứt khoát và không đè ép vào lồng ngực mới hiệu quả. (Đối với phụ nữ có thai hoặc người béo phì, vị trí đặt tay trên ngực tốt nhất là ngay giữa xương ức, cách mỏm ức 2-3cm. Nên để nạn nhân ngồi tựa vào ghế để thao tác dễ hơn).

Phòng từ xa: Trẻ em ngày Tết thường được “nới lỏng” sự giám sát vì nhiều nguyên nhân: cha mẹ bận việc, người giúp việc về quê… nên dễ gặp tai nạn. Cần “phủ sóng” tất cả các tình huống có thể xảy ra tai nạn ở trẻ em.

- Không cho trẻ chạy, nhất là vừa chạy vừa cầm nắm các vật dụng như dao, kéo, thước dây…

- Tránh các nguyên nhân gây hóc: vừa ăn vừa đùa giỡn, bị chọc cười khi đang ăn, nằm ngửa ngậm kẹo, ngước cổ nói chuyện khi đang ăn, trái cây còn sót hạt, món hầm sót xương, chưa lấy hết xương cá…

- Tránh điện giật, phỏng, ngạt nước: không cho đến gần khu vực bếp, bàn ăn. Khi thay dây điện, xê dịch bàn ghế cần cho các bé mới biết bò và biết đi vào trong cũi (nếu không có người trông). Các lỗ cắm điện nên thay bằng ổ cắm an toàn. Cha mẹ dọn dẹp nhà cửa ngày Tết thường bày nhiều xô chậu chứa nước, bé có thể chúi đầu vào. Vì thế, cần chú ý khi làm việc và đổ hết nước khi làm xong. Khi đang tắm bé, nếu có điện thoại bàn reo, có chuông cửa… cần bế bé, tránh tai nạn ngạt nước khi bỏ bé một mình.

Người lớn khi sơn phết trang hoàng nhà cửa phải trèo cao cần có thêm một người đứng dưới giữ ghế hoặc thang. Tốt nhất nên thuê dịch vụ dọn dẹp nhà vì họ có đủ trang thiết bị và đồ bảo hộ.

Phương Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét