Máy tính cá nhân, điện thoại thông minh và mạng Internet đã làm thay đổi toàn bộ cuộc sống và cách kiếm tiền của chúng ta. Một nghịch lý đang diễn ra thầm lặng: mặc dù con người có cảm giác tự do hơn, giấu mình kỹ hơn, ít phải giao tiếp hơn với sự trợ giúp của mạng; thì thực tế họ đang đánh mất sự riêng tư và hầu hết dữ liệu cá nhân vào tay các ông chủ lớn nhất của nền kinh tế toàn cầu.
Google nắm giữ không chỉ các email, tập tin, ảnh, video... mà còn các thói quen của bạn khi lên mạng. Ngân hàng biết rõ các khoản thu chi, nợ nần. Công ty điện thoại ghi lại bạn đang đi đâu, nói chuyện gì, gửi tin nhắn cho ai. Siêu thị thống kê hóa đơn mua hàng và có thể biết rõ số chó mèo bạn nuôi, số quần áo bạn có, thậm chí các căn bệnh tiềm ẩn từ chế độ dinh dưỡng.
Facebook biết giới tính, quan điểm chính trị, việc bạn làm, suy nghĩ thầm kín của bạn, dữ liệu riêng tư, các mối quan hệ bạn bè và cả những thăng trầm của chúng. Những dữ liệu này vẫn còn tồn tại trên mạng, trong các máy chủ hay trong đĩa cứng của những người nào đó, ngay cả khi bạn đã xóa đi.
Khi sử dụng các trang mạng xã hội, rất ít người dùng đọc kỹ các điều khoản liên quan đến bảo mật thông tin, và cũng không nhiều người hiểu rõ cơ chế lưu trữ, truyền nhận và xử lý thông tin của hệ thống. Họ thậm chí không hình dung được đằng sau một trang web mới nhìn qua tưởng chừng rất đơn giản, lại là những hệ thống máy móc hiện đại trị giá nhiều tỉ đôla, thuộc về những tập đoàn có giá trị còn cao hơn tổng thu nhập quốc dân hằng năm của một số quốc gia giàu có.
Dữ liệu cá nhân có thể không có nhiều giá trị nếu chỉ là của một vài người, nhưng khi được lưu trữ một cách có hệ thống từ hàng tỉ người, sau hàng chục năm, thì nó là một kho vàng vĩ đại chỉ chờ người đến lấy như trong truyện Alibaba và 40 tên cướp. Các công ty sẽ dùng các báo cáo từ kho dữ liệu cá nhân để quảng cáo, nghiên cứu thị trường, thiết kế sản phẩm, đánh giá thói quen người dùng. Những dữ liệu cá nhân của hàng tỉ người có thể tổng hợp và phân tích cho vô vàn mục đích khác nhau và đem lại những lợi ích chưa thể hình dung hết.
Với hàng chục ngàn máy chủ lưu trữ một lượng dữ liệu khổng lồ từ gần 500 triệu người dùng hằng ngày, hơn 800 triệu người dùng hằng tháng, với hàng tỉ bức ảnh và hàng chục tỉ bài viết được cập nhật hằng tháng trên hệ thống của mình, Facebook quả thật đã là một giấc mơ trở thành hiện thực của các cơ quan tình báo như CIA, Mossad hay MI7. Trong hồ sơ chào bán cổ phiếu của Facebook, ngoài các thống kê tài chính còn một con số quan trọng là 100 triệu tỉ byte hình ảnh và video đang được lưu trữ trong các máy chủ.
Sự riêng tư của chúng ta không còn là tài sản cá nhân nữa, mà là những viên gạch tạo nên khối tài sản khổng lồ trị giá hàng ngàn tỉ đôla Mỹ của các tập đoàn công nghệ thông tin hàng đầu thế giới. Facebook chỉ mất tám năm để có giá trị gần 100 tỉ USD ngay trong đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng.
Trong khi Google và Facebook liên tục đầu tư những trung tâm cơ sở dữ liệu trị giá hàng trăm triệu USD có hệ thống máy tính tiêu thụ điện năng ngang với những thành phố lớn, thì khó có thể hình dung được những doanh nghiệp địa phương từ các đất nước đang phát triển lại có cơ may giành được dù là chút ít khách hàng. Internet không có biên giới, trừ khi các chính phủ dùng những biện pháp cấm đoán bằng luật pháp. Một khi thị trường đã mở cửa thì không còn sự khoan dung, và cũng không còn lợi thế cạnh tranh nào từ việc bạn là một doanh nghiệp địa phương.
Sưu tầm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét