Rớt đại học: không đứng dậy sẽ chẳng biết phía trước có gì

Khi điểm sàn tuyển sinh ĐH, CĐ đã được công bố thì cũng là lúc không ít thí sinh phải đối diện với sự thật không còn cơ hội đến với giảng đường trong năm nay khi điểm thi dưới điểm sàn. Không dễ gì cho các thí sinh và phụ huynh khi đối diện với "cú sốc" này. Song, nếu cứ giam mình mãi trong nỗi tự ti, mặc cảm, âu lo thì liệu có thể nhìn thấy gì ở ngày mai?

Xin mời các bạn cùng đọc những lời chia sẻ hữu ích của bạn HUỲNH LƯU ĐỨC TOÀN (giảng viên ĐH Ngân hàng TP.HCM) 


                                     ************
Tôi từng rớt đại học. Sự thật ấy càng khủng khiếp hơn khi tôi từng là một thí sinh của cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia, là lớp trưởng, là học sinh trường chuyên của tỉnh Khánh Hòa... Nhưng chính trải nghiệm thi rớt ấy đã cho tôi một cú hích đầu đời.

Chuyện là trong mùa thi năm 2008, tôi trượt ĐH Ngoại thương cơ sở II tại TP.HCM khi thiếu 0.5 điểm. Mang theo trong mình kỳ vọng từ mẹ là một nhà giáo chấp nhận nuôi con một mình, tôi chợt thấy mình thật có lỗi. Nhất là ngày công bố điểm chuẩn lại trong tháng Vu Lan, tháng báo hiếu.

Tôi chợt thấy mình vô dụng và lạc lõng giữa khi nhớ lại hình ảnh mẹ xách tất cả đồ đạc lên TP.HCM để lo cho tôi có thể thi tốt nhất. Tôi chợt thấy mình quay lưng với những bữa cơm mẹ nấu trong hành lang khách sạn để tôi không ăn ngoài đường mà đau bụng. Tôi thấy mọi thứ là chấm hết.

Tôi chợt nhận ra, khi mình thi rớt, mất đi cơ hội nhưng tôi được nhiều hơn. Tôi lao vào kiếm nguyện vọng 2 và tỉ lệ chọi. Rồi tôi nhận cùng lúc 2 giấy báo nhập học: Đại học Kiến trúc TP.HCM (khoa Xây dựng) và Đại học Ngoại thương cơ sở II tại TP.HCM (hệ ngoài ngân sách). Tôi quyết định chọn Đại học Ngoại thương cơ sở II tại TP.HCM - ngôi trường tôi yêu thích.

Tôi quyết định lăn ra giữa đất Sài Gòn mà kiếm tiền đi học. Hầu hết các khoản tiền học phí của tôi đều do tôi bươn chải làm thêm đủ các việc: từ phục vụ quán ăn, đạp xe đạp hơn cả 1 tiếng để đi giao hàng, thậm chí dịch thuật đủ kiểu, cộng tác cho nhiều tờ báo... Tôi còn tham gia những hoạt động tình nguyện để có vốn sống ngoài cuộc đời.

Mẹ rất mong tôi học ra trường với tấm bằng khá là vui rồi nhưng tôi còn muốn nhiều hơn thế. Đó là lý do cả gần 10 tiếng ở ngoài đường chạy rong ruổi nhưng đến đêm về tôi đã chong đèn học đến sáng với hầu như mỗi ngày chỉ ngủ 3 tiếng.

Tôi từng đọc về sách của Thủ tướng Lý Quang Diệu, trong đó có dòng: “Xuất phát điểm thấp thường đi đôi với tăng trưởng thần kỳ”. Đó là điều khiến tôi tin vào cuộc sống. Tôi tích lũy mọi thứ mình có để học hành, trải nghiệm, thậm chí dám sống vì những thứ mà người khác có thể cho là liều lĩnh.

Năm 2012, tôi tốt nghiệp Đại học Ngoại thương cơ sở II tại TP.HCM với tấm bằng loại giỏi và những giấy chứng nhận tham gia nhiều hoạt động. Tôi được nhận vào làm việc ở hai công ty kiểm toán quốc tế nhưng vẫn nộp đơn thi tuyển giảng viên vì mong muốn chia sẻ cuộc sống, những cú sốc đầu đời và cơ hội cho bạn trẻ. Hiện nay, tôi là giảng viên tập sự ĐH Ngân hàng TP.HCM.

Khi nhìn lại “cú rớt” đại học đầu đời cách đây 5 năm, tôi thấy mình có nhiều hơn là mất. Tôi có một bài học về sự vấp ngã và cách đối mặt với khủng hoảng cuộc đời. Đó là không có điều gì dập tắt được ước mơ và cách bạn dám bước đi tiếp khi vấp ngã. Tôi vẫn nghĩ mình thi rớt để được học một bài học với cái giá không hề cao chút nào. Khi rớt đại học, có lẽ bạn sẽ "khó thở" ở những ngày đầu. Nhưng tôi biết được rằng, con người sống cả đời không thể mãi chỉ ám ảnh một kỳ thi. Và tôi dám tự tin nói rằng: “Tôi cũng từng thi rớt đại học!”.

Có lẽ chúng ta sẽ chẳng biết phía trước có gì nếu ta không dám đứng dậy sau cú ngã đầu đời!

HUỲNH LƯU ĐỨC TOÀN (giảng viên ĐH Ngân hàng TP.HCM)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét