Chuyện “say nắng” trong mắt học trò

Xin mời các bạn cùng đọc những lời chia sẻ về những cơn "say nắng" qua lăng kính suy nghĩ của tuổi học trò.
1. Khi con yêu, mong ba mẹ lắng nghe, chia sẻ thay vì làm to chuyện

Mình thỉnh thoảng mới có một cơn “say nắng” bởi anh lớp trưởng đẹp trai hay một người bạn học môn Lý rất siêu chẳng hạn. Mình sẽ tâm sự điều này với  bạn bè hoặc có khi giữ “bí mật dễ thương” riêng cho mình. Thật ra, đó chỉ là những xúc cảm rất bình thường của con gái. Mỗi khi "say nắng", mình tâm sự với bạn bè, người thân thì thấy "tỉnh táo" hơn, nhanh chóng vượt qua “cơn say nắng”.

Mình mong rằng khi biết con đang yêu, các bậc cha mẹ sẽ lắng nghe, trò chuyện, chia sẻ cùng con thay vì làm to chuyện. Vì càng ngăn cấm thì các bạn lại càng lén lút quen nhau. Có thể các bạn sẽ hẹn hò ở ghế đá công viên và kết thúc là nhà nghỉ.

Nếu tình cảm học trò được ba mẹ quan tâm, kiểm soát thì đó sẽ là động lực giúp tụi mình tập trung học tập đạt kết quả tốt hơn. Mặt khác, các bạn học trò mến nhau, muốn được phụ huynh tin tưởng, ủng hộ cũng cần chứng tỏ rằng tình cảm ấy không ảnh hưởng xấu đến việc học tập. 

Nguyễn Thị Ngọc Bích (lớp 11 CH, trường THPT Nguyễn Hữu Huân, Q.Thủ Đức, TP.HCM)

                                         *****

2. Ít bạn "gan dạ" tâm sự chuyện tình cảm với ba mẹ!

Mình nghĩ, từ 16 tuổi trở đi có thể bắt đầu yêu, còn từ 13-15 tuổi thì chỉ nên thích hoặc làm bạn bè hơi thân thiết một chút. Vì từ 13 -15 tuổi, chúng mình còn bồng bột, chưa ý thức được yêu là gì nên thường có những hành động, suy nghĩ không đúng đắn. Khoảng 16 tuổi trở đi thì hãy yêu vì suy nghĩ, nhận thức và hành động ở tuổi này ít nhiều gì cũng đứng đắn hơn.

Nếu mình có “người ấy”, chắc chắn mình sẽ tâm sự với bạn thân. Mình nghĩ sẽ không có nhiều bạn học sinh đủ "gan dạ" kể chuyện “tình cảm” cho ba mẹ nghe đâu. Những lần bạn bè mình kể chuyện này cho ba mẹ nghe thì đều bị la rầy như: “Mới bây lớn mà biết chuyện người lớn yêu đương làm gì? Mày lo học đi”. Hoặc ba mẹ tìm cách đánh trống lảng để các bạn ấy thôi thắc mắc. Những chuyện yêu đương hay những "tò mò" khác đều được chúng mình tự tìm hiểu qua mạng hoặc hỏi bạn bè xung quanh.

Theo mình, cách tốt nhất để giúp con cái mở lòng với cha mẹ đó là cha mẹ hãy tâm sự, trò chuyện với con như những người lớn, khuyên bảo nhẹ nhàng sao cho con dễ hiểu. Có như vậy thì con cái mới có thể tâm sự với cha mẹ những thắc mắc, tò mò tuổi mới lớn và đặc biệt là để con không đánh mất niềm tin vào bố mẹ.

Dư Lê Chí Bảo (lớp 8A5, Trường THCS Trường Chinh, Q.Tân Bình, TP.HCM)

                                        ****

3. Hãy "quan tâm" nhau bằng cách giúp nhau học tập tốt

Chỉ nên yêu khi mình 20 tuổi trở lên. Bởi khi đó chúng ta đủ chín chắn, biết kiểm soát hành vi của mình. Khi ta còn học cấp 2, 3 những tình cảm giữa con trai và con gái đơn giản chỉ là những rung động nhỏ của trái tim hay chỉ bởi ta đang “say nắng” ai đó. Những tình cảm đó bất chợt đến rồi bất chợt tan biến như bọt xà phòng.

Hiện nay, tình trạng các bạn học sinh cặp bồ khi chưa đủ tuổi là điều cần mọi người quan tâm. Vào những giờ ra chơi, thậm chí cả khi trong giờ học, lúc giáo viên không để ý, các “cặp đôi” tranh thủ bày tỏ những cử chỉ khá thân mật. Mình cảm thấy những cảnh tượng đó thật phản cảm. Nhiều khi mình tự hỏi phải chăng các bạn ấy muốn biến trường học thành sân khấu diễn những vở kịch tình cảm? Hay chuyện thích nhau đang là trào lưu và việc phơi bày những tình cảm đó cũng là một xu hướng?

Các bạn hãy quan tâm nhau bằng cách giúp nhau tiến bộ trong học tập. Khi đó bố mẹ chúng ta sẽ cảm thấy vững lòng về con cái, tin tưởng những quyết định của con. Các bạn có thể đường đường chính chính quen nhau mà không phải lén lút hay sợ bất kỳ ai.

Khổng Minh Đạt (lớp 8, Trường THSC Nguyễn Du, Q.1, TP.HCM)

                                         ****

4. Phụ huynh nên chia sẻ khi chúng mình có “hiện tượng lạ”

Mình nghĩ tốt nhất nên bắt đầu yêu từ 18 tuổi trở lên, vì lúc ấy, ít nhiều ta biết giữ vững lập trường. Bạn bè mình khi yêu, có bạn thì trở nên rất siêng học, nhưng cũng có bạn đi học “bữa đực bữa cái”, không chú tâm học hành. Các bạn thường giấu gia đình chuyện yêu nên gia đình các bạn đa phần không hay biết gì.

Theo mình, các phụ huynh nếu thấy con còn đi học mà có hiện tượng lạ, làm biếng học, mê chơi, có biểu hiện buồn vui thất thường thì nên tiếp cận để tìm hiểu nguyên nhân, biết con muốn, cần gì. Nếu con yêu sớm, phụ huynh nên khuyên nhủ con nhẹ nhàng, giải thích  rõ việc yêu sớm sẽ không mang lại lợi ích cho bản thân như thế nào.

Vũ Thị Tuyết Trinh (Lớp 9A5, Trường THCS Trường Chinh, Q.Tân Bình, TP.HCM)

NGUYỄN THẮM thực hiện

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét