11 lời khuyên tìm việc

Đã đến lúc cần cân nhắc lại quá trình tìm việc của bạn. Việc tuyển dụng không còn phụ thuộc các công ty mà vào chính bạn, do đó hãy tập trung tìm công việc thích hợp nhất với mình và làm tất cả những gì có thể để trở thành ứng viên tốt nhất.


Các chuyên gia tuyển dụng dành cho bạn 11 lời khuyên sau đây:


1. Thu hẹp phạm vi tìm việc
Hãy tránh lãng phí thời gian bằng cách bỏ qua những công việc bạn không đủ tiêu chuẩn hoặc không thật sự yêu thích. Bạn cần trung thực với bản thân khi đánh giá công việc.

Dù bạn sẵn sàng học hỏi nhưng hãy nhớ hầu hết công ty đều muốn tuyển dụng người có thể bắt đầu ngay chứ không phải những người bắt đầu từ con số 0. Vì vậy, hãy tập trung thời gian và sức lực vào những công việc phù hợp kỹ năng, kinh nghiệm, trình độ của mình.

2. Xác định mong muốn của bản thân
Sau khi thu hẹp phạm vi tìm việc, hãy trả lời những câu hỏi về mong muốn của bản thân:

- Bạn thật sự muốn công việc gì?

- Bạn cần những đặc điểm gì để thuyết phục nhà tuyển dụng?

Nếu không chắc chắn về câu trả lời, hãy lập danh sách những kỹ năng, điểm mạnh của bạn và sử dụng chúng như một công cụ chiến lược trong quá trình tìm việc.

3. Đánh giá lại nền tảng kỹ năng
Nếu bạn cảm thấy mình đã tìm kiếm tất cả mọi nguồn có thể nhưng vẫn chưa tìm được công việc phù hợp với kỹ năng, có thể đã đến lúc bạn cần cập nhật một số kỹ năng mới. Đây được coi là một cơ hội hoàn hảo để quay lại trường học: bạn không phải lo lắng phân chia thời gian cho công việc và khi bạn hoàn thành việc học, nền kinh tế có thể khởi sắc hơn. Như vậy, khả năng thành công của bạn sẽ nhân đôi. Hiện có rất nhiều chương trình học tập để bạn lựa chọn: văn bằng 2, thạc sĩ, tại chức…

4. Thiết lập mục tiêu
Mục tiêu lớn của bạn là kiếm được một công việc nhưng hãy đặt ra những mục tiêu nhỏ, ngắn hạn hơn. Nó giúp bạn phát triển từ từ cũng như đánh giá liên tục về quá trình của mình. Ví dụ, cải thiện kỹ năng xây dựng mạng lưới quan hệ của bạn bằng cách đặt mục tiêu trong tháng 1 là tham gia một tổ chức nghề nghiệp, tháng 2 là tham gia sự kiện cựu sinh viên thời đại học… Những mục tiêu như vậy làm bạn giữ vững động lực cho quá trình tìm việc, đồng thời nâng cao khả năng của bản thân.

5. Thử sức với những điều mới mẻ
Nếu bạn cảm thấy mình đang mắc kẹt trong quá trình tìm việc, hãy thử một chiến lược mới. Thay vì chỉ tìm việc online, cố gắng liên lạc trực tiếp với nhà tuyển dụng và cập nhật thông tin từ những người làm việc trong ngành nghề của bạn. Cách tiếp cận đa dạng sẽ mang lại kết quả tốt nhất.

6. Hãy làm cho mình nổi bật
Nếu đã tìm được công việc trong mơ của mình, hãy cố gắng khiến bạn nổi bật trong đám đông. Hãy tìm tên người tuyển dụng hoặc ai đó làm cùng phòng ban bạn ứng tuyển và gửi email trực tiếp cảm ơn hay đề nghị cung cấp thông tin. Một cuộc nghiên cứu toàn diện về công ty sẽ cho bạn những kiến thức cần thiết để nổi bật trong vòng hồ sơ và cuộc phỏng vấn. 

7. Tận dụng Internet
Nếu bạn muốn gia tăng sự nổi trội của mình, hãy tận dụng sức mạnh của công nghệ. Hồ sơ trực tuyến trên các trang việc làm chuyên nghiệp sẽ giúp nhiều nhà tuyển dụng biết tới bạn hơn. Rất nhiều công ty vì muốn tiết kiệm chi phí nên đã trực tiếp tìm kiếm ứng viên thông qua các website như vậy.

8. Kiểm soát thông tin cá nhân trên mạng
Hãy kiểm soát tốt những gì nhà tuyển dụng có thể đọc được về bạn khi tìm kiếm trên Internet. Những thông tin trên Facebook, Linkedln, Twitter sẽ hiện lên ở trang đầu tiên, do đó hãy nhanh chóng cập nhật thông tin mới với nội dung chuyên nghiệp để tạo ấn tượng tốt.

9. Bắt kịp xu hướng thời đại
Bạn phải luôn bắt kịp thời đại, kể cả khi không làm việc. Hãy đọc báo chí thương mại, nhận xét trên các blog về ngành nghề của bạn và theo kịp với xu hướng công nghệ hay chính sách có thể tác động tới con đường sự nghiệp của bạn. Điều này không chỉ giúp ích cho bạn trong cuộc nói chuyện với người phỏng vấn, duy trì sự chuyên nghiệp mà còn cho bạn những ý tưởng mới về cách thức cũng như địa điểm tìm việc.

10. Quảng cáo bản thân
Trong cuộc phỏng vấn, hãy chuẩn bị ít nhất năm ví dụ để minh họa cho phẩm chất tốt nhất của mình. Khi người phỏng vấn hỏi “Tại sao chúng tôi nên tuyển dụng bạn?”, bạn có thể nói về việc bạn học hỏi nhanh ra sao, rằng bạn đã tự học Photoshop trong một tuần hay niềm đam mê kinh doanh dẫn dắt bạn làm việc khi 18 tuổi ra sao... Đừng quên để lại cho người phỏng vấn số điện thoại, địa chỉ email của những người giới thiệu làm bảo chứng cho khả năng của bạn.

11. Giữ vững động lực
Một cuộc tìm kiếm công việc sẽ có những khoảnh khắc khó khăn bởi mọi thứ không luôn xảy ra như chúng ta mong muốn. Nhưng thay vì để những khó khăn phá hỏng động lực của mình, hãy coi chúng như bài học. Phỏng vấn thất bại có nghĩa là đã đến lúc phải đánh giá lại con đường sự nghiệp hay nền tảng kỹ năng của bạn, điều đó có thể dẫn bạn tới sự nghiệp hoàn hảo hơn. Thái độ lạc quan này sẽ giúp bạn tăng năng suất hơn trong việc tìm kiếm công việc tiếp theo.

Chúc bạn thành công!


VŨ HUYỀN (Theo CareerBuilder)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét