10 điều cân nhắc trước khi phẫu thuật thẩm mỹ


Sau cái chết của nạn nhân làm phẫu thuật thẩm mỹ ở Thẩm mỹ viện Hà Nội, nỗi lo lắng về nguy cơ ảnh hưởng tính mạng khi làm phẫu thuật thẩm mỹ càng khiến chị em e dè hơn.

Để phục vụ nhu cầu làm đẹp bản thân không ít chị em đã lựa chọn phương pháp phẫu thuật thẩm mỹ và tìm đến các thẩm mỹ viện. Tuy nhiên, bên cạnh hiệu quả làm đẹp, phương pháp làm đẹp này cũng tiềm ẩn những mối nguy hiểm không lường trước được.


Đặc biệt là sau cái chết của nạn nhân làm phẫu thuật thẩm mỹ ở Thẩm mỹ viện Hà Nội, nỗi lo lắng về nguy cơ ảnh hưởng tính mạng khi làm phẫu thuật thẩm mỹ càng khiến chị em e dè hơn. Tuy đây có thể chỉ là do tai nạn và chiếm tỉ lệ rất nhỏ trong số các ca làm đẹp bằng thẩm mỹ, nhưng nó cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo chị em cần cân nhắc kĩ trước khi tiến hành phẫu thuật thẩm mỹ bất kì bộ phận nào của cơ thể.

Cân nhắc trước khi làm phẫu thuật thẫm mỹ

Giải phẫu thẩm mỹ làm thay đổi ngoại hình của các bộ phận cơ thể vốn vẫn hoạt động bình thường nhưng không theo cách bạn mong muốn mà thôi. Trước khi tiến hành phẫu thuật thẩm mỹ, chị em nên xem xét một số yếu tố sau đây:

- Mong đợi: Phẫu thuật thẩm mỹ có thể cải thiện những khiếm khuyết nhưng không thể biến bạn thành hoàn hảo như một người mẫu hay siêu sao màn ảnh. Những mong đợi thái quá sẽ có thể khiến bạn thất vọng sau khi ca phẫu thuật kết thúc dù thành công.

- Chi phí: Tất cả các chi phí phẫu thuật thẩm mỹ có thể không nằm trong quy định thanh toán bảo hiểm y tế. Tùy theo thủ tục và hình thức phẫu thuật mà chi phí này có thể lên tới hàng trăm hoặc hàng ngàn đô la.

- Nguy cơ: Sau khi phẫu thuật chị em khó tránh cảm giác thấy thất vọng vì không được như mong muốn. Ngoài ra chưa kể đến các biến chứng có thể xảy ra, bao gồm: chảy máu quá nhiều hoặc nhiễm trùng, nặng hơn có thể dẫn tới tử vong.

- Thời gian hồi phục: Sau phẫu thuật, sẽ mất nhiều ngày thậm chí nhiều tuần, nhiều tháng cơ thể bạn mới hồi phục trở lại như trước. Ca phẫu thuật cũng rất có thể ảnh hưởng đến các khía cạnh trong đời sống cá nhân, cả về thể chất lẫn tinh thần, tình cảm, đời sống xã hội của bất kì ai.

- Thay đổi tâm lý: Sự tự tin của bạn có thể được cải thiện sau khi phẫu thuật thẩm mỹ, nhưng không có khả năng làm giảm trầm cảm hoặc các tình trạng sức khỏe tâm thần khác.

Những câu hỏi nên hỏi bác sĩ khi phẫu thuật thẩm mỹ

Khi bạn đã quyết định phẫu thuật thẩm mỹ, các bác sĩ phẫu thuật sẽ đánh giá các phần của cơ thể mà bạn muốn được phẫu thuật, cùng với các tiền sử bệnh tật, các loại thuốc bạn đang dùng và mong muốn phẫu thuật của bạn thế nào. Trong lúc này, hãy trao đổi với bác sĩ những thắc mắc của mình.

Vì đây là vấn đề liên quan hệ trọng tới sức khỏe của chính mình nên đừng ngần ngại mà đưa ra những câu hỏi cho bác sĩ, để từ đó chị em có cơ sở cho quyết định của mình đúng đắn hơn.

Chị em hãy tham khảo các câu hỏi dưới đây:

1 - Tôi có nên làm phẫu thuật thẩm mỹ không? Tại sao có và tại sao không?

2 - Có phương pháp điều trị nào khác ngoài phẫu thuật thẩm mỹ nhưng vẫn tốt cho tôi hay không?

3 - Bác sĩ đã phẫu thuật nhiều trường hợp như thế này chưa? Kết quả thế nào?

4 - Tôi có thể được xem hình ảnh hoặc phác đồ để hiểu được những thủ tục và kết quả sau phẫu thuật thế nào hay không?

5 - Để đạt được hiệu quả như mong muốn, tôi phải trải qua một lần phẫu thuật hay nhiều hơn một lần? Những ưu và nhược điểm của các loại phẫu thuật đó ra sao?

6 - Tôi được kê cho dùng loại thuốc tê nào? Nó có ảnh hưởng gì đến tôi hay không?

7 - Tôi có phải nhập viện không? Nếu có thì trong bao lâu?

8 - Các biến chứng có thể có là gì?

9 - Sau phẫu thuật tôi được chăm sóc thế nào hoặc tôi tự chăm sóc bản thân thế nào? Những thay đổi thế nào thì được coi là theo chiều hướng tốt?

10 - Chi phí tất cả cho cuộc phẫu thuật là bao nhiêu?

Chị em nên làm rõ những thắc mắc này với bác sĩ phẫu thuật để thiết lập mục tiêu cụ thể, đo lường hiệu quả và hậu quả sau khi phẫu thuật. Hãy chắc chắn rằng bạn hoàn toàn thoải mái với vị bác sĩ phẫu thuật đó và bác sĩ đó cam kết sẽ điều trị tốt nhất cho bạn.

Theo Pháp luật xã hội

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét