Bí quyết giữ chân người tài

Với bối cảnh kinh tế đang phục hồi, nhiều doanh nghiệp mong muốn tạo nên thế cạnh tranh vững mạnh trên thị trường. Điều này đồng nghĩa với việc chính sách thu hút nhân sự chủ chốt - nhân sự chất lượng cao, hay còn gọi là người tài của các doanh nghiệp phải được lưu tâm hơn. Tuyển dụng được người tài đã khó, giữ chân người tài còn khó gấp nhiều lần!



Nhận diện và tuyển dụng người tài
Phải chắc chắn một điều rằng, người tài ngày nay trên thị trường nhân lực ngày càng xuất hiện nhiều. Họ là những chuyên gia đầu ngành có nhiều năm kinh nghiệm, là người từng giữ vị trí chủ chốt ở các tập đoàn nước ngoài, thậm chí là những sinh viên xuất sắc tốt nghiệp từ các chương trình đào tạo chất lượng cao trong và ngoài nước...

Theo ông Đỗ Hồng Quang, Giám đốc công ty phần mềm Misa, người tài thực sự là những người làm việc có tâm, và họ luôn vạch ra chiến lược cho bản thân mình, nếu như chiến lược và mục tiêu của doanh nghiệp và người tài phù hợp với nhau, thì sẽ hứa hẹn sự phát triển lâu dài, vững mạnh cho cả hai phía. Đôi khi việc tuyển dụng người tài trở nên khó khăn vì họ thường có những "yêu sách" riêng khi gia nhập doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu như xét thấy những sản phẩm, thành quả của họ xứng đáng với một chế độ đãi ngộ đặc biệt thì doanh nghiệp cũng nên cân nhắc.

Ngày nay, người lao động rất thông minh, họ càng ngày càng độc lập trong việc lựa chọn môi trường phát triển sự nghiệp cho mình. Theo thống kê của Trung tâm dự báo nhu cầu nguồn nhân lực Tp.HCM, trước đây, khi mức độ tăng lương dưới 30%/năm, người tài đã nghĩ đến chuyện "ra đi", thì ngày nay con số đó có thể tăng lên 50%/năm. Thậm chí, nhiều người làm trong các ngành có thời gian và công việc linh động như truyền thông, thiết kế... cho biết họ khi chuyển sang công việc mới, họ thường không chắc chắn lắm đến việc làm lâu dài tại doanh nghiệp, mà cân nhắc nên làm thử trong 6 tháng, 1 năm... Chính vì vậy, việc doanh nghiệp cho thấy được tương lai phát triển, chính sách đào tạo lâu dài... của mình, cho họ sự an toàn thì mới mong giữ chân được họ lâu dài.

Bí quyết giữ chân người tài
Như vậy, mức lương cao hay chế độ thưởng hậu hĩ chưa phải là điều kiện cốt lõi để giữ chân người tài. Có 4 yếu tố để giữ chân người tài, tạo thành một chuỗi điều kiện chặt chẽ như sau:

- Khả năng lãnh đạo : người ta thường ví von, nhà lãnh đạo là người tạo cảm hứng, người có khả năng lãnh đạo tốt sẽ truyền hơi thở nhiệt huyết cho tất cả các nhân viên còn lại. Nhiều người cho biết rằng lý do chính khiến họ theo đuổi một công việc nào đó không phải vì thu nhập cao chót vót, mà chính là vì họ hài lòng với những ý nghĩa tích cực mà mình đang cống hiến cho xã hội. Ai sẽ là người khơi gợi và làm cho nhân viên thấy những điều này ngoài người lãnh đạo giỏi?

Hơn nữa, đối với những nhân viên tài năng - mà xã hội thường gọi đùa là "lắm tài, nhiều tật", thì muốn giữ chân họ, cần phải có sức mạnh nội tại, uy lực của một người lãnh đạo sáng suốt, có tầm nhìn và có khả năng thu phục lòng người.

- Môi trường làm việc lành mạnh : môi trường làm việc phải đàm bảo tính công bằng, chuyên nghiệp, tạo được sân chơi cạnh tranh thực sự cho người nhân viên. Không có người tài nào muốn giới hạn bản thân trong một chiếc hộp nhỏ hẹp, mà nơi đó tài năng của họ bị hạn chế, hoặc bị ganh ghét, hoặc không được đánh giá cao bởi những người xung quanh. Bản thân nhà lãnh đạo cần tạo ra một hệ thống giá trị nhất định trong việc phát triển cá nhân, thực hiện tầm nhìn - sứ mệnh của công ty, tạo uy tín tuyệt đối với nhân viên. Ngoài ra, với một số công việc đặc thù khác, môi trường làm việc lành mạnh còn có nghĩa là sự thoải mái về giờ giấc, nơi chốn làm việc.

- Các chương trình đào tạo huấn luyện : điều này không chỉ áp dụng cho việc thu hút, tuyển dụng người tài từ bên ngoài doanh nghiệp, mà còn hữu dụng cho việc đào tạo nhân sự xuất sắc từ bên trong doanh nghiệp. Những doanh nghiệp lớn như Unilever, Maersk, IBM, Holcim, Saigon Coop... đều lập kế hoạch cụ thể hằng năm để đưa cán bộ CNV đi học những khóa bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ trong và ngoài nước. Nhiều doanh nghiệp còn khá e dè để đầu tư khoản chi phí khổng lồ này vì lo sợ sau khi đào tạo, người tài sẽ "ôm theo" khối tài sản tri thức khổng lồ này ra đi! Chính vì thế chúng ta sẽ có yếu tố thứ tư- tiền lương.

- Tiền lương : Trong bối cảnh kinh tế còn chập chững phục hồi, các doanh nghiệp sẵn sàng trả một khoản chi phí cao để giữ chân những người thạo việc. Vì thế, việc xem xét đến nguyện vọng của người tài trong việc có một khoản thu nhập xứng đáng, cũng như khả năng thăng tiến cùng những phúc lợi kèm theo cũng là điều doanh nghiệp nên nghiêm túc thực hiện.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp mong muốn tiết kiệm chi phí bằng cách lựa chọn nguồn nhân lực bên ngoài (outsource), mà chưa lưu tâm đến việc chuyên nghiệp hóa các hoạt động chuyên môn này bằng chính nhân sự chủ chốt của công ty. Điều này không những giúp tạo thêm thu nhập cho nhân viên, cho họ thấy sự trọng dụng của doanh nghiệp với tài năng của họ, mà còn giúp cho doanh nghiệp dễ dàng quản lý hơn các hoạt động sản xuất của mình ở mức tối đa.

Khánh Quỳnh - Sưu tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét