Theo các chuyên gia về tâm lý, kiểm soát được cơn giận luôn là một việc làm khó, nhất là đối với trẻ.
Những biểu hiện tức giận của trẻ thể hiện theo từng độ
tuổi. Ở trẻ dưới 3 tuổi thường là khóc bởi trẻ nghĩ rằng khóc sẽ gây
được sự chú ý và cha mẹ sẽ hiểu được nhu cầu của trẻ. Do chưa có khả
năng diễn đạt được những nhu cầu nên khi không thỏa mãn ý muốn của mình,
trẻ thường quăng mọi đồ vật xung quanh, thậm chí có nhiều trẻ lao vào
cắn, cấu bạn bè hoặc người thân...
Để giải tỏa cho trẻ khỏi những bức bối, khó chịu, thạc sĩ Phạm Thị
Thúy, Học viện Hành chính quốc gia, lưu ý: “Trước hết hãy dùng đồ chơi,
trò chơi để cắt cơn giận cho bé sau đó nên lắng nghe trẻ, dành thời gian
trò chuyện với trẻ để hiểu được nguyên nhân sự tức giận chứ đừng nên bỏ
qua. Còn nếu trẻ vô cớ tức giận thì cha mẹ nên đưa trẻ tới những nơi có
khung cảnh thiên nhiên, nơi yên tĩnh để cùng tản bộ và trò chuyện”.
Đối với những trẻ có vốn từ vựng kha khá, bà Nguyễn Thanh Thúy, Hội
quán Các bà mẹ, chia sẻ: “Tuyệt đối không nên hạn chế cảm giác của trẻ
vì điều này sẽ khiến trẻ cảm thấy ức chế, nếu để lâu sự tức giận sẽ bị
dồn nén, không hay. Thay vào đó cha mẹ hãy khơi gợi cho trẻ tự biểu lộ
cảm xúc, suy nghĩ của mình bằng lời nói một cách thoải mái, không giới
hạn vấn đề. Đối với trẻ, khi đã có thái độ tức giận thì có nghĩa vấn đề
đó các bé cảm thấy rất quan trọng vì vậy người lớn đừng chế giễu hay coi
thường mà phải hướng cho bé cách giải quyết vấn đề”.
Thế nhưng theo các chuyên gia tư vấn tâm lý, để sự tức giận của trẻ
không biến thành hành vi bạo lực thì điều cần thiết hơn cả là cha mẹ
phải sống gương mẫu, bản thân phải kiềm chế cơn tức giận. Từ đó chắc
chắn trẻ sẽ hiểu rõ trách nhiệm khi bày tỏ thái độ của mình và hậu quả
của những cách cư xử không phù hợp.
Bích Thanh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét