Phỏng vấn xin việc: có nên quá thật thà?

Em hiện đang học năm cuối trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Em từng đi dạy kèm 2 năm, làm cộng tác viên phát triển thị trường mạng Viettel, Vina, thẻ ngân hàng Agribank, Vietcombank...

Trong dịp hè này em muốn đi làm thêm để học hỏi kinh nghiệm và phụ giúp gia đình. Có một điều làm em băn khoăn là khi đi phỏng vấn vào vị trí thu ngân, em trả lời rất thành thật và thẳng thắn theo đúng những gì em nghĩ về các vấn đề trong bài test và phỏng vấn và cả về bản thân em.
<!-- more -->

Nhà tuyển dụng có nhận xét rằng em rất thật thà, thẳng thắn. Khi được hỏi về nhược điểm của em và những lo lắng nếu nhận được việc, em cũng trả lời rất thật.

Hiện em đang chờ kết quả phỏng vấn, nhưng băn khoăn không biết việc thật thà, thẳng thắn của em là nên hay không khi đi phỏng vấn?

Thùy Thùy

************************************

- Trả lời tư vấn của Mai Đan Thanh - Chuyên viên tư vấn nghề nghiệp VietnamWorks :

Chào bạn,

Trước tiên, chúng tôi xin khẳng định: đối với một số người và trong một số trường hợp, sự thẳng thắn và thật thà của bạn được đánh giá rất cao. Với những phẩm chất này, bạn sẽ tạo được cảm giác an toàn và đáng tin cậy trong mắt những người hiểu bạn.

Tuy nhiên, trong môi trường làm việc nói chung và ở buổi phỏng vấn nói riêng, bạn sẽ gặp gỡ những người hoàn toàn mới, họ và bạn chưa biết gì về nhau, và mục tiêu của bạn là: đây là công việc mơ ước của mình, mình phải chứng minh được với nhà tuyển dụng rằng mình là ứng viên phù hợp nhất cho vị trí này. Chúng tôi khuyên bạn: trung thực và suy nghĩ tích cực là nguyên tắc quan trọng hàng đầu để giúp bạn thành công trong buổi phỏng vấn.

Khi gặp một câu hỏi nhạy cảm hay khá tế nhị, hoặc trong hồ sơ tìm việc của bạn có điểm nào đó bất lợi, bạn nên trung thực trả lời theo hướng tập trung làm nổi bật những ưu điểm của bản thân. Hãy đưa ra những ví dụ cụ thể về những đóng góp bạn có thể mang lại cho công ty, và thẳng thắn thừa nhận những điểm yếu của bản thân khi được nhà tuyển dụng hỏi. Hãy để họ hiểu được rằng bạn hoàn toàn nhận thức rõ được điều đó và đang nỗ lực để khắc phục chúng.

Đồng thời bạn nên đưa ra các ví dụ để minh chứng cho quá trình khắc phục các điểm yếu và biến chúng thành điểm mạnh của bản thân. Bằng cách khéo léo nêu lên những điểm tích cực, bạn sẽ có thêm cơ hội được tuyển dụng.

Đây cũng là thử thách đầu tiên cho bạn khi bắt đầu hành trình tìm việc: trung thực và khéo léo giải quyết “vấn đề của bản thân”: "có nên quá thật thà, thẳng thắn khi đi phỏng vấn?" trước khi xử lý các vấn đề “hóc búa” hơn nảy sinh trong quá trình làm việc.

Hãy duy trì và “nâng cao" những phẩm chất tốt bạn đang sở hữu nhé!

Thân mến!



Sưu tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét