Như thế nào là một cái chết?
Cái chết là một khoảnh khắc chuyển giao của hai trạng thái hiện hữu.
Nhìn bao quát, những gì đang diễn ra thực chất là một chuỗi những sự chuyển tiếp liên tục, không ngừng giữa sự sống và cái chết. Chúng diễn ra nhanh hơn cả một cái chớp mắt nên không ai có thể bắt kịp sự chuyển hóa đó. Một tế bào sinh ra, một tế bào mất đi, một trạng thái cũ mất đi, một trạng thái mới sinh ra …
Cái chết của một con người, hay của một sinh linh – đó là lúc mà người thuyền trưởng rời khỏi con tàu của mình để sang một con tàu khác trước khi nó đâm vào một vách đá. Là khi mà trên màn hình ti vi chuyển từ việc kết thúc bộ phim này để sang một bộ phim mới. Vì trong tâm thức mình, con người không nhận biết được sự sinh ra và mất đi liên tục của các trạng thái, do quá trình nhận biết một cách chậm chạp nên họ ghi nhận những thứ tưởng như cố định. Và Ý niệm về bản thân cũng trở nên cố định. Trong ý niệm về bản thân, có ý niệm về việc coi thân xác này là mình, chứ không phải là sự hiện hữu của mình. Và sự chết đi bàn đến trong bài viết này là sự chết đi của thân xác đó. Tức là chết đi trong hệ quy chiếu của ý niệm.
Việc chuyển đổi trạng thái từ sự sống sang cái chết là một quy luật tự nhiên, nó không tạo ra hạnh phúc hay đau khổ. Tuy nhiên, do con người cho rằng thân xác này chết là mình chết nên họ phát sinh đau khổ. Và người nào càng quyến luyến với sự sống thì sự cưỡng lại với cái chết càng mạnh mẽ, sự cưỡng lại càng mạnh mẽ thì sự đau khổ càng lớn.
Khi một người ý thức được rằng mình sẽ chết, ngoại trừ người đã có sự hiểu biết thật sự về sự sống và cái chết thì những người còn lại đều có thể trải qua các giai đoạn sau:
1. Không chấp nhận, chối bỏ “Không thể như thế được, đây là 1 sự nhầm lẫn”
2. Đau khổ, than vãn, thấy mình là nạn nhân “Tại sao lại là tôi ?”
3. Nghĩ tới cái chết của mình với những hệ lụy “Khi tôi ra đi gia đình tôi sẽ ra sao, công việc tôi sẽ ra sao…?”
4. Chấp nhận “Tôi sẽ chết”
5. Hướng về những gì có thể làm được “Những ngày cuối cùng tôi có thể làm được gì cho tôi với những điều quan trọng của tôi?”
Ý nghĩa của cái chết
Đối với sự trưởng thành của nhận thức, cái chết xuất hiện là một bài học, một chỉ báo về quy luật. Quy luật của sự sinh ra và mất đi. Cái gì sinh ra, cái đó sẽ mất đi. Chấp nhận quy luật này sẽ mang đến hạnh phúc, cưỡng lại quy luật này sẽ mang đến đau khổ. Vì đã nói đến quy luật là nói đến cái tồn tại ngoài thế giới chủ quan. Không có một sức mạnh nào có thể thay đổi nó. Nên nếu không chấp nhận nó thì chỉ sẽ dẫn đến sự bất toại nguyện, sự bất toại nguyện sẽ dẫn đến đau khổ.Tuy nhiên, không phải ai cũng học được bài học này. Cho nên khi đối diện với cái chết họ đầy sợ hãi và níu kéo. Cho dù là cái chết của mình hay người khác.
Sẽ đến một lúc nào đó, con người cần phải nhận ra: Mình cần biết về quy luật để sống với quy luật, sử dụng quy luật chứ không phải là tạo ra những nhận thức trái với quy luật, khư khư sống theo ý riêng của mình.Đời sống của một người thuận theo quy luật như con thuyền lựa hướng gió mà xuôi, đời sống người cưỡng lại quy luật như chèo thuyền trên vách đá. Sức mạnh của một người được tạo nên từ việc sự thấu hiểu và sống với quy luật khách quan chứ không phải là tạo ra những định kiến chủ quan rồi áp đặt vào thế giới.
Mở rộng ra, một mối quan hệ kết thúc – đó là 1 cái chết. Một niềm tin tan vỡ – đó là 1 cái chết. Một hi vọng bị sụp đổ – đó cũng là một cái chết. Sự thất bại, sự bị chối từ, sự đổ bể … là những cái chết đang diễn ra hằng ngày trong cuộc sống của chúng ta. Tuy nhiên, thái độ đối với nó của mỗi người rất khác nhau.
Vậy Tôi sinh ra trên đời này để làm gì?
Còn có 1 bài học khác. Một bí mật của cuộc sống và nó liên quan đến mục đích cuộc đời. Đó là sự hiểu biết về bản thân. Chưa cần chết đi, bạn vẫn đã có thể biết rằng cái chết sẽ xảy đến. Chưa cần già đi, nhưng bạn vẫn biết rồi mình sẽ già. Sự đổi thay liên tục đang luôn xảy ra trên cái thân thể mình vẫn gọi là mình. Sinh ra, đổi thay, và mất đi. Nhưng có bao giờ bạn tự hỏi, là tại sao bạn lại luôn có cảm giác mình chỉ luôn là 1 người cố định? Ẩn sâu sau câu hỏi này, nếu như bạn tìm kiếm, bạn sẽ tìm thấy một sự thỏa mãn cho cuộc sống của mình – và đó chính là mục đích mà một cuộc đời cần đạt đến.
Mục đích cuộc đời không phải là 1 ý tưởng, 1 suy nghiệm, 1 nhận thức do mình tạo ra để định hướng cho tương lai của mình. Cuộc đời – là một quá trình tình từ khi sinh ra cho đến khi chết đi. Mục đích cuộc đời là đích đến cho toàn bộ quá trình đó. Một đích đến của tự nhiên, đã được có sẵn, là động lực cho cả một hành trình sống và sau nữa. Chúng ta không tạo ra nó. Chúng ta chỉ khám phá ra nó mà thôi. Và hãy nhớ, nó không phải 1 ý tưởng.
Trên định nghĩa về mục đích cuộc đời như vậy. Chúng ta có thể khám phá về nó trong toàn bộ hoạt động sống của mình. Mục đích cuộc đời là động lực chi phối toàn bộ đời sống của ta một cách rất sâu kín và vô thức. Khi chưa biết đến nó, chúng ta vẫn đang trong cuộc hành trình để đạt đến nó. Tuy nhiên, do là 1 sự chí phối vô thức, ý thức không biết đến nên chúng ta không tập trung đi giải quyết nó một cách có kế hoạch. Vậy vấn đề là làm sao chúng ta tìm thấy nó, ý thức về nó, lập kế hoạch để đạt được nó.
Cách thức khám phá mục đích cuộc đời dựa trên nguyên tắc tìm nguyên nhân của nguyên nhân trong tư duy đột phá. Khi chúng ta biết rằng toàn bộ hoạt động sống của chúng ta là thực hiện nó thì chính những hoạt động sống (bất kỳ hoạt động nào) đều là cánh cửa để chúng ta tìm về với nó.
Nếu bạn quan tâm đến điều này, hãy thực hiện quá trình khám phá như sau:
Bước 1: Tìm ra một vài hoạt động thường ngày của bạn (đi học, đi chơi, chơi game, gãi đầu, tắm …)
Bước 2: Dưới mỗi hoạt động hãy ghi ra lý do ” … để làm gì?” (mình đi học đề làm gì, gãi đầu để làm gì, …)
Bước 3: Dưới mỗi câu trả lời hãy tiếp tục đặt câu hỏi “… đề làm gì?”
Bước …
Bước n: Cho đến khi tất cả đều hội chung lại ở tại 1 câu trả lời chung. Tức là khi bạn tìm hiểu hoạt động gì của bạn (bất kỳ) thì nguyên nhân cuối cùng mà bạn tìm thấy đều hội tụ ở duy nhất 1 điểm. Đó chính là mục đích cuộc đời của bạn. Sẽ đến 1 lúc bạn à ra, thì ra là như vậy … lúc đó những mục đích khác bạn muốn đạt tới mà không phải là con đường đi thẳng đến mục đích này sẽ mất ý nghĩa và được bạn xem xét lại. Lúc đó, bạn mới bắt đầu nhận ra điều gì là thật sự có ý nghĩa với cuộc đời mình.
Sau khi nhận ra mục đích cuộc đời, bạn mới biết được sứ mệnh của bạn. Sứ mệnh là tâm nguyện, là mong muốn mà bạn muốn mang tới cho cộng đồng những giá trị và lợi ích. Chỉ khi nhận ra mục đích cuộc đời thật sự bạn mới có sứ mệnh thật. Còn trước đó, mọi mục đích và sứ mệnh đều là ảo tưởng của bạn mà thôi.
Vậy nếu chỉ còn 1 ngày để sống, câu hỏi này liệu có được bạn đặt ra “Bạn sống để làm gì?” ?
( Trần Lan Hương )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét